Triển lãm CES 2016 dường như mang chủ đề chính là xe hơi khi cả chục sản phẩm mới ra mắt có nguồn gốc từ các hãng sản xuất ôtô.
CES năm nay dự kiến thu hút 170.000 người trên khắp thế giới. Triển lãm kéo dài 4 ngày sẽ bắt đầu từ ngày 6-9/1 nhưng trước đó nhiều sự kiện và các buổi họp báo đã diễn ra với những thông tin quan trọng.
Từ nhiều năm nay, CES trở thành một trong những sự kiện “phải tham dự” để trình diễn những công nghệ ôtô mới nhất, thậm chí là giới thiệu xe mới. Năm nay, hai diễn giả được chú ý nhất, CEO của GM là Mary Barra và CEO của Volkswagen là Dr. Herbert Diess, sẽ sử dụng sân khấu để ra mắt những mẫu xe chạy điện.
Dự kiến vị giám đốc điều hành của hãng xe Đức giới thiệu mẫu concept chạy điện mà Volkswagen từng hé lộ cách đây vài tuần. Còn nữ giám đốc điều hành của hãng xe Mỹ sẽ giới thiệu phiên bản sản xuất của Chevrolet Bolt EV, gần một năm sau khi Bolt xuất hiện dưới dạng concept tại triển lãm Detroit.
Ngoài hai “ông lớn” trên, còn có những thương hiệu xe khác tham gia CES 2016. Trong số đó là Faraday Future, một hãng xe Mỹ mà một trong số những nhà sáng lập là tỷ phú người Trung Quốc Jia Yueting. Hãng này có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất ôtô chạy điện với khoản đầu tư 1 tỷ USD tại North Las Vegas. Sản phẩm của Faraday Future dường như là một chiếc xe điện không phải để khách hàng sở hữu, mà để đi thuê.
Hãng công nghệ Mỹ Nvidia cũng tìm kiếm lợi nhuận trong ngành công nghiệp ôtô, trong đó sản phẩm chính dành cho công nghệ xe tự lái. Nvidia dường như sẽ đưa ra nhiều thông báo tại sự kiện năm nay.
Trước đó, tháng 11/2015, Toyota từng công bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới cho một trung tâm nghiên cứu mới dành cho trí thông minh nhân tạo đặt ở thung lũng Silicon. Trong số những thông tin dự kiến mà hãng xe Nhật đưa ra tại CES, có thể gồm cả kế hoạch kể trên.
Không chỉ về công nghệ, các hãng viễn thông cũng không chịu đứng ngoài cuộc khi bắt tay với các xe. Như AT&T đã hợp tác với Audi, BMW, GM, Ford, Tesla, Nissan, Volvo, Subaru và Jaguar Land Rover. Chi nhánh xe hơi của Verizon cũng làm việc với Volkswagen và Mercedes. Các hãng khác như NXP hay Qualcomm cũng được trông đợi có những sản phẩm mới hữu ích cho các nhà sản xuất ôtô nhằm thêm các tính năng mới như kết nối dữ liệu di động hay màn hình hiển thị mới.
Ôtô tự lái, giống như loại mà Google đã sử dụng, không thể hoạt động mà không có cảm biến, camera và radar. Các nhà cung ứng trong ngành công nghiệp ôtô đang chạy đua để tạo ra những loại cảm biến và radar ngày càng nhỏ hơn nhưng mạnh hơn. Các hãng chế tạo vi mạch cũng bán ra những nền tảng điện toán cho phép tất cả các thiết bị, gồm cả GPS, cảm biến và radar hoạt động hiệu quả trên xe.
Hãng xe Mỹ Ford cũng có thể đăng đàn để nói về công nghệ xe tự lái, giống mục đích các hãng sản xuất ôtô khác khi tham gia CES 2016 như Audi, Volvo hay Mercedes.
Mỹ Anh