Một trong những sự kiện đang gây chú ý nhất toàn ngành xe hiện nay là Internationale Automobil-Ausstellung (Triển lãm Xe hơi Quốc tế Đức – IAA). Đây được xem là triển lãm lớn và quan trọng bậc nhất thị trường châu Âu.
Triển lãm IAA được xem là sân nhà của những ông lớn Đức như Mercedes, BMW hay Volkswagen. Tuy nhiên, sự có mặt của các thương hiệu từ Trung Quốc đang thu hút nhiều sự chú ý của công chúng. Theo ban tổ chức IAA, năm nay có hơn 70 đơn vị từ Trung Quốc tham gia, từ các nhà sản xuất xe đến các công ty công nghệ pin. Cũng theo ban tổ chức, Trung Quốc là quốc gia có số đơn vị tham gia triển lãm nhiều thứ 2, theo sau Đức.
Chính việc các thương hiệu Trung Quốc chiếm ánh đèn sân khấu ngay tại sân nhà của nhiều ông lớn Đức mà các tờ báo lớn, các trang tin đã có những bài viết phản ánh. Trong số đó, tờ Thời báo Phố Wall (The Wall Street Journal) đã có bài “Trong công cuộc chuyển hóa sang xe điện, các nhà sản xuất xe Đức chậm chân hơn Tesla và Trung Quốc”, nêu những nhận định thú vị về vị thế của các nhà làm xe lớn ngày nay.
Dưới đây là phần lược dịch bài viết.
Các gian hàng của thương hiệu Trung Quốc thu hút nhiều sự quan tâm. Ảnh: LEONHARD SIMON/REUTERS
Trong công cuộc chuyển hóa sang xe điện, các nhà sản xuất xe Đức chậm chân hơn Tesla và Trung Quốc
Những cái tên mới nổi từ Trung Quốc và thương hiệu gắn với Elon Musk đã chiếm ánh đèn sân khấu tại triển lãm xe IAA, nêu bật những khó khăn của ngành công nghiệp hàng đầu nước Đức.
Suốt nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất xe của Đức đã thống lĩnh ngành công nghiệp của mình với những thương hiệu gắn liền với sự hoàn hảo và luôn hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng. Nhưng khi cả ngành chuyển hướng tới xe thuần điện thì họ lại đang tụt lại phía sau.
Gần một thập kỷ cố gắng điện hóa, dành cả tỷ đô để đầu tư nhưng Volkswagen, BMW, Mercedes và nhiều thương hiệu khác đã thất bại trong việc giành miếng bánh thị trường từ tay Tesla. Thay vì tự phát triển phần mềm cho hệ thống giải trí hay công nghệ tự hành thì nay, họ đã bắt tay với các công ty công nghệ lớn. Họ cũng đang đuổi sau những cái tên mới nổi từ Trung Quốc khi nói đến những công nghệ tân tiến của xe điện, và họ cũng đánh mất mình tại thị trường quan trọng nhất tại châu Á.
Cả ngành công nghiệp đang trong tư thế khom người phòng thủ, và lộ rõ tư thế này tại triển lãm IAA – một trong những sự kiện lớn nhất toàn ngành xe thế giới. Năm nay là lần đầu tiên Tesla – nhà làm xe điện số 1 – tới IAA. Tương tự như Tesla là những cái tên mới toanh từ Trung Quốc – những đơn vị đã túm được sự chú ý của khách tham quan.
Là sàn diễn quen thuộc một thời của ngành công nghiệp xe Đức, sự kiện tổ chức 2 năm một lần này đã cho những “ma cũ” bài học rằng đối thủ xe điện từ Trung Quốc không chỉ đè nén các nhà làm xe Đức và châu Âu với các mẫu xe có giá rẻ, mà còn là những công nghệ ngày một tinh xảo, nới rộng khoảng cách mà những nhà làm xe truyền thống đang cố gắng theo sát để thu hẹp.
Triển lãm còn là minh họa đầy sống động cho những khó khăn mà Đức đang phải đối mặt. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu và chiến thần tăng trưởng kinh tế giờ đang tụt hậu vì vài chục năm đầu tư chưa đúng mực, phải đương đầu với lạm phát, tăng lãi suất và, từ năm ngoái, giá năng lượng leo thang.
Mercedes đầu tư mạnh cho gian triển lãm tại IAA 2023. Ảnh: KRISZTIAN BOCSI/BLOOMBERG NEWS
Giám đốc Điều hành tập đoàn xe Volkswagen, ông Oliver Blume cho biết: “Có một vài lĩnh vực mà chúng tôi phải đuổi theo”. Tập đoàn Volkswagen là đơn vị chủ quản của một loạt các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Porsche, Audi, Skoda hay Lamborghini.
Ở nơi mà Volkswagen đã mất thị phần vào tay các nhà sản xuất nội địa – Trung Quốc, ông lớn Đức mới đây đã mua cổ phần của start-up xe điện XPeng để lấp đầy vào thứ mà CEO Volkswagen mô tả là “khoảng trống” trong công nghệ xe điện để phục vụ khách hàng Trung Quốc – thị trường xe lớn nhất thế giới hiện nay. Sau thương vụ, Volkswagen và XPeng sẽ cùng phát triển công nghệ xe điện.
Trong một nghiên cứu về đổi mới trong ngành công nghiệp xe, giám đốc Trung tâm Giám sát Ô tô Đức, ông Stefan Bratzel, cho rằng năm 2022 là lần đầu tiên Trung Quốc vượt qua Đức và Mỹ về số lượng cải tiến công nghệ tại các lĩnh vực như pin, phần mềm xe tự hành và các tính năng khác.
Ông Stefan Bratzel cũng cho rằng chính những đổi mới này đã giúp xe Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh tại thị trường nội địa, và giờ đây, khi họ tới châu Âu thì điều tương tự cũng có thể xảy ra. Vấn đề lớn nhất với ngành xe Đức là công nghệ của họ còn kém, giá xe lại cao.
Ông nhận định: “Những cải tiến này ẩn chứa một mối nguy hiểm lớn cho các nhà sản xuất xe Đức”.
Mới chỉ vài năm trước, các nhà làm xe của Đức đã “cửa đóng then cài” để các công ty công nghệ lớn như Apple hay Google tránh xa những chiếc xe của họ. Nhưng sau khi đánh vật để tự phát triển phần mềm, họ đã bắt đầu hợp tác với các công ty công nghệ để phát triển phần mềm sử dụng trên xe của họ, tiêu biểu như hệ thống giải trí, các tính năng hỗ trợ lái nâng cao và phần mềm kiểm soát pin mà sẽ giúp xe điện hoạt động hiệu quả hơn [nói cách khác là tiết kiệm điện và đi được xa hơn].
Tesla đã giới thiệu phiên bản mới của Tesla Model 3 tại IAA 2023. Ảnh: TOBIAS SCHWARZ/AFP/GETTY IMAGES
Để hiểu mối đe dọa từ Trung Quốc đến các nhà làm xe truyền thống trên thế giới, các nhà nghiên cứu tại ngân hàng đầu tư UBS đã tháo tung một chiếc xe điện do BYD sản xuất. BYD là nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc nếu tính theo doanh số.
Các chuyên gia tại UBS cho rằng trong dài hạn, BYD sẽ có lợi thế về chi phí tốt hơn khoảng 25% so với các nhà sản xuất truyền thống. Trong bản kết quả nghiên cứu, các chuyên gia của UBS cho rằng: “Chúng tôi tin BYD và các nhà làm xe hàng đầu Trung Quốc sẽ chinh phục thị trường thế giới với những mẫu xe điện có các tính năng công nghệ cao mà giá thành rẻ”.
Sau khi công bố ngày 1/9 vừa qua, nghiên cứu của các chuyên gia UBS đã khiến giá cổ phiếu của ngành xe Đức nhuốm đỏ. Một vài quỹ đầu tư, sau đó, đã tăng sở hữu cổ phiếu của BYD.
Ông Luca de Meo, hiện là CEO của tập đoàn Renault (Pháp) và cũng từng là sếp của tập đoàn Volkswagen trong nhiều năm, trao đổi rằng châu Âu phải tham gia vào “một cuộc chiến” để bảo vệ mình trước những mối nguy từ xe điện Trung Quốc. Ông nhận định: “Họ [Trung Quốc] rõ ràng rất cạnh tranh trong chuỗi giá trị xe điện. Tôi nghĩ họ đã vượt trước chúng tôi cả một thế hệ”.
CEO của Schaeffler – một đơn vị hoạt động trong ngành công nghiệp xe từ Đức, ông Klaus Rosenfeld, nhận định rằng tại triển lãm, các nhà sản xuất Trung Quốc đã cho thấy họ đã đi xa tới đâu trong phát triển công nghệ ô tô. Ông bày tỏ: “Những cỗ xe đang trưng bày ở đây là những chiếc xe thật. Xe của BYD là đối thủ đích thức”.
Sau những cú tăng trưởng mau chóng và đứng vị trí đầu của Trung Quốc, BYD giờ đây vươn tầm ngắm ra châu Âu.
Ông Michael Shu, giám đốc thị trường châu Âu của BYD, cho biết rằng nhà làm xe số 1 Trung QUốc này đang tới những bước cuối để có một nơi sản xuất tại châu Âu: “Chúng tôi hy vọng có thể có được quyết định vào cuối năm nay”.
Ông Michael Shu cho biết rằng BYD đã nghiên cứu rất kỹ xem khách hàng châu Âu chấp nhận công nghệ của BYD ra sao, và họ cung cấp sản phẩm với khoảng giá rộng, từ những mẫu xe giá rẻ như BYD Dolphin với giá khoảng 30.000 euro tới những mẫu cao cấp hơn có giá bán khoảng 60.000 euro. “Chúng tôi bao phủ rộng vì chúng tôi nghĩ là chúng tôi cần hiểu thị trường”.
Thương hiệu MG, một thời là thương hiệu xe thể thao của Anh nhưng nay đã thuộc sở hữu của SAIC Trung Quốc, đã bán được 115.000 chiếc (hầu hết là xe điện) chỉ trong nửa đầu năm nay. Con số này thậm chí còn hơn tổng doanh số của cả năm 2022. Theo giám đốc MG phụ trách thị trường Đức, Áo và Thụy Sỹ, ông Jan Oehmicke thì theo đà này, MG sẽ bán được hơn 200.000 chiếc xe trong năm nay.
Ông Jan Oehmicke tự tin: “Chúng tôi là hãng xe phát triển mạnh nhất tại Đức”. Ông cũng cho biết thêm rằng MG đang tìm một địa điểm ở châu Âu để đặt nhà máy sản xuất.
MG đang phát triển rất mạnh tại châu Âu. Ảnh: ALEX KRAUS/BLOOMBERG NEWS
XPeng của Trung Quốc hiện đã kinh doanh tại Na Uy và Hà Lan. Start-up này cho biết rằng sẽ tới Đức, Pháp và Anh vào năm sau.
Các nhà sản xuất xe của Trung Quốc đang cố gắng phát triển tại châu Âu để bù cho sức tăng trưởng sên bò ở thị trường nội địa, và điều này đang gây sức ép lên các thương hiệu xe sang của Đức – nhưng đơn vị mà lâu nay 40% doanh số của họ tới từ thị trường Trung Quốc.
Tesla cũng đã tiếp tục gây sức ép lên thương hiệu xe hàng đầu nước Đức. Năm ngoái, Tesla đã vượt qua BMW để đạt ngôi vị thương hiệu xe sang có doanh số cao nhất tại Mỹ. Còn tại Đức – nơi mà Tesla có một nhà máy giga ở thủ đô Berlin – thì công ty do Elon Musk quản lý này đang làm việc với giới chức trách để có thể tăng gấp đôi năng lực sản xuất lên khoảng 1 triệu chiếc mỗi năm.
Theo số liệu của trang EV-Volumes (đơn vị chuyên theo dõi doanh số xe điện trên phạm vi toàn cầu), Volkswagen là nhà làm xe lớn thứ 4 thế giới trong năm 2022 với thị phần khoảng 8% (giảm 2% so với năm trước đó). Trong khi đó, Tesla đứng vị trí số 1, theo sau lần lượt là BYD và SAIC.
Tại thị trường quê nhà, Volkswagen phải đối mặt với chi phí lao động và năng lượng tăng cao, đang cố gắng cắt giảm chi phí và cố gắng thuyết phục các nhà cầm quyền châu Âu để hỗ trợ ngành công nghiệp nhiều hơn, thậm chí còn cố gắng kêu gọi Brussels (nơi đặt trụ sở Liên minh châu Âu) lùi lại hạn cấm bán xe sử dụng đốt trong năm 2035.
CEO của BMW, ông Oliver Zipse, trong phỏng vấn với tờ Handelsblatt của Đức trước khi IAA bắt đầu, đã nói: “Tôi tin rằng mục tiêu xóa bỏ xe sử dụng động cơ đốt trong thật là vô tâm”.
Các nhà lãnh đạo hãng xe khác của Đức không thẳng thắn như CEO của BMW, nhưng có vẻ họ cũng có chung mối lo khi IAA diễn ra. Chủ tịch hội đồng quản trị của Mercedes, ông Ola Källenius, cho rằng: “Mục tiêu là rõ ràng: Không phát thải. Nhưng với thập kỷ này và thập kỷ sau thì chúng ta cần một chiến lược mềm dẻo”.
Nhiều lãnh đạo hãng xe khác cũng gợi ý giới chức châu Âu xem cách mà Mỹ đưa ra các gói ưu đãi cho các công ty có đầu tư sản xuất và mang lại tác động lớn.
CEO tập đoàn Renault, ông Luca de Meo, cho rằng: “Toàn bộ ưu đãi của châu Âu đều dành cho đổi mới ở cấp độ rất cao, nhưng lại chẳng có đồng nào trong đầu tư sản xuất. Mỹ và Trung Quốc bỏ tiền cho công đoạn sản xuất. Đó là khác biệt lớn”.